Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Phải cấm thuốc lá điện tử

29/12/2024
|
0 lượt xem
Chính Trị Thời Sự
Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Phải cấm thuốc lá điện tử
Mới nhất Cũ nhất 15h25 Nhiều nhóm lợi ích đang vận động thử nghiệm thuốc lá điện tử

Đại biểu Lê Hoàng Anh dẫn báo cáo của Bộ Công an cho biết tình trạng tẩm ướp ma túy trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tăng mạnh mà khó kiểm soát. Vì vậy, Bộ Công an muốn cấm nhập khẩu, phân phối và quảng cáo dạng thuốc lá này, nhưng Bộ Công Thương muốn nghiên cứu thí điểm thêm để quản lý tốt hơn.

"Không ít cử tri phản ánh nhiều nhóm lợi ích của ngành công nghiệp thuốc lá đang tích cực vận động để duy trì thử nghiệm các loại thuốc lá này. Theo Bộ trưởng thì các nhóm lợi ích này có vận động thành công ở Việt Nam hay không? Trách nhiệm của Bộ Y tế tham mưu ra sao mà đến nay Chính phủ chưa có quan điểm rõ ràng về vấn đề này?", đại biểu đoàn Gia Lai đặt câu hỏi và đồng thời chuyển câu hỏi này đến Bộ trưởng Công Thương.

Đại biểu Lê Hoàng Anh. Ảnh: Media Quốc hội

Trả lời, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói "chúng tôi nhiều lần nêu quan điểm là nên cấm thuốc lá điện tử".

15h20 Nhiều quảng cáo phóng đại công dụng sản phẩm

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân nói tình trạng thực phẩm chức năng giả, nhái kém chất lượng khiến cử tri vô cùng lo lắng bức xúc. Bà đề nghị Bộ trưởng nêu rõ giải pháp.

Bộ trưởng Y tế đánh giá hệ thống văn bản pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng đã tương đối hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành hàng này. Thực tế, sản phẩm thực phẩm chức năng của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia, khẳng định chất lượng và uy tín. Để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế đã ban hành quy định bắt buộc các nhà máy sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn thực hành tốt. Bộ luật Hình sự đã quy định rõ các mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng.

Tuy nhiên, lợi nhuận cao từ việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng giả đã khiến tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để quảng cáo phóng đại công dụng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người dân. Đặc biệt, tình trạng buôn lậu thực phẩm chức năng giả qua biên giới cũng là một thách thức lớn.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã công khai danh sách các doanh nghiệp được cấp phép sản xuất thực phẩm chức năng, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm uy tín. Đồng thời, Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong lĩnh vực quảng cáo.

15h15 Nhà thuốc bệnh viện gặp khó khi đấu thầu thuốc

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho biết các nhà thuốc bệnh viện phản ánh vẫn gặp khó khăn trong đấu thầu thuốc. Thực tế vẫn còn những thời điểm người dân khám bệnh xong nhưng chưa thể mua thuốc. "Vướng mắc này do đâu và bao giờ Bộ trưởng giải quyết được", bà Thủy nêu câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: Media Quốc hội

Bà Đào Hồng Lan cho biết thời gian qua các cơ quan đã có nhiều giải pháp tháo gỡ vấn đề thiếu thuốc, nhất là quy định trong Luật Đấu thầu năm 2023. Nhà thuốc bệnh viện do bệnh viện quản lý, tổ chức mua thuốc lẻ bán cho người dân khi có nhu cầu, không phải dùng ngân sách. Theo Luật Đấu thầu 2023, nhà thuốc bệnh viện cũng phải đấu thầu, nên thực tế gặp khó khăn. Vì vậy, Luật Dược sửa đổi đang xin ý kiến Quốc hội sẽ giao lại quyền chủ động mua sắm cho nhà thuốc bệnh viện của cơ sở y tế.

15h10 Cán bộ y tế không được tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng

Đại biểu Khang Thị Mào đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Y tế: Nhiều bác sĩ mặc áo blouse trắng quảng cáo cho các loại thuốc, thực phẩm chức năng có đúng hay không?

Đại biểu Khang Thị Mào. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh rằng pháp luật hiện hành đã có những quy định rõ ràng về việc sử dụng hình ảnh của bác sĩ, y sĩ trong quảng cáo. Cụ thể, Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành đều nghiêm cấm hành vi này. Bên cạnh đó, Điều 197 Bộ luật Hình sự cũng quy định rõ các hình thức xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo.

Bà Lan cũng cho biết Bộ Y tế đã có văn bản gửi các cơ sở y tế để nhắc nhở và yêu cầu các cán bộ y tế tuyệt đối không tham gia vào các hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, nhằm đảm bảo tính nghiêm túc và uy tín của ngành y tế.

15h00 Rà soát vi phạm về quảng cáo sản phẩm

Đại biểu Dương Tấn Quân phản ảnh tình trạng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm, thuốc giả đang xuất hiện tràn lan trên thị trường, đề nghị Bộ Y tế có giải pháp quản lý.

Bộ trưởng Y tế cho hay lĩnh vực thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được quản lý theo Luật Dược, thông tư 43 của Bộ Y tế, Luật An toàn thực phẩm... Các quy định này đã đầy đủ để quản lý dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, song nhiều người vẫn lách luật, thổi phồng công dụng, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng.

Bộ Y tế đã tăng cường quản ý và rà soát nội dung chính sách chưa đáp ứng thực tiễn để sửa đổi, như Luật An toàn thực phẩm đang được sửa đổi, sẽ trình Quốc hội trong năm 2025. Bộ Y tế đã nâng cấp thông tư quản lý mỹ phẩm thành nghị định, đang gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Bộ cũng phối hợp với Bộ công thương, Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch để rà soát vi phạm về quảng cáo sản phẩm.

14h55 Bệnh viện thiếu thuốc vì chậm được thanh toán bảo hiểm

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) chấn vấn việc chậm thanh toán chi phí bảo hiểm đang gây khó khăn cho các bệnh viện và việc đấu thầu thuốc. "Các bệnh viện vừa gặp khó vừa bị treo nợ. Vấn đề này được Bộ trưởng tháo gỡ như thế nào?", bà Thúy chất vấn.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng nội dung này được Chính phủ chỉ đạo, Bộ Y tế đã giải quyết được trên 11.000 tỷ đồng nợ đọng, đang phân bổ cho các cơ sở y tế, là nguồn lực để các bệnh viện mua trang thiết bị, đấu thầu thuốc. "Do nợ đọng bảo hiểm nên thời gian qua các bệnh viện không mua được thuốc", bà Đào Hồng Lan cho hay.

14h50 Chưa có chính sách thỏa đáng hỗ trợ đầu tư sản xuất thuốc

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng việc quản lý dược và mỹ phẩm thời gian qua còn bất cập. Nguyên nhân là các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư sản xuất thuốc chưa có chính sách khuyến khích thỏa đáng, chưa thu hút được đầu tư nước ngoài sản xuất các loại thuốc tại Việt Nam. Chương trình hóa dược nhiều năm chưa đạt được mục tiêu. "Tôi băn khoăn vì sao việc này vẫn bất cập và với tư cách là tư lệnh ngành, Bộ trưởng có giải pháp nào", bà Nga chất vấn.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết đến nay toàn quốc có 238 cơ sở sản xuất dược và 180 cơ sở nhập khẩu, 5.000 cơ sở bán buôn. Tuy nhiên bà thừa nhận việc thu hút đầu tư cho ngành dược "đến nay chưa có gì đặc biệt".

Bộ Y tế đã trình Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược, đề xuất nhiều chính sách ưu đãi đầu tư phát triển ngành dược, được nhiều đại biểu ủng hộ. Bộ cũng đã trình Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dược và Chương trình phát triển ngành dược liệu. "Chúng tôi hy vọng đây là cơ hội cho ngành dược Việt Nam phát triển", bà Lan nói.

14h45 Ngành y tế đã có phần mềm quản lý giấy phép hành nghề

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt vấn đề ngành y tế chưa quản lý được giấy phép hành nghề và chất vấn Bộ trưởng giải pháp để mỗi bác sĩ chỉ được cấp một giấy phép hành nghề.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Luật khám chữa bệnh năm 2023 đã quy định mỗi cán bộ y tế chỉ được cấp một giấy phép hành nghề. Hiện nay, ngành y tế đã cơ bản hoàn thành việc quản lý cán bộ y tế trên toàn quốc theo quy định mới. Cụ thể, hơn 430.000/600.000 cán bộ y tế đã được cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý.

Tuy nhiên, do phần mềm này được xây dựng từ năm 2015 nên chưa thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Luật mới. Để khắc phục hạn chế này, ngành y tế đang tích cực nâng cấp phần mềm quản lý và hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất, hiện đại. Khi hoàn thiện, hệ thống này sẽ giúp các cơ quan quản lý y tế ở cả trung ương và địa phương theo dõi, giám sát hoạt động của cán bộ y tế một cách hiệu quả.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn. Ảnh: Hoàng Phong

14h40 Nghiên cứu chính sách hạn chế việc bác sĩ chuyển sang viện tư

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nêu thực trạng bác sĩ sau khi được đào tạo theo địa chỉ không công tác theo sự phân công hoặc công tác không đủ thời gian, sẵn sàng bồi hoàn kinh phí để chuyển sang bệnh viện tư. "Một số lãnh đạo địa phương đề nghị xử lý hành vi này? Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào và giải pháp cho thực trạng này là gì?", bà Yến Nhi chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết năm 2022, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc trở nên nghiêm trọng khi con số lên tới gần 9.000 người. Để giải quyết, Bộ Y tế đã và đang tích cực triển khai các giải pháp, trong đó tập trung vào việc sửa đổi Nghị định 56 về chế độ phụ cấp ưu đãi và Nghị định về tiền trực, chế độ nhân viên y tế thôn bản. Các địa phương cũng đang ráo riết đánh giá tình hình sử dụng nhân viên y tế công lập.

Theo bà Lan, nhân viên y tế công lập đang chiếm tới 95% lực lượng phục vụ người dân, đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu không có những chính sách phù hợp và giải pháp hiệu quả, việc thu hút và giữ chân nhân viên y tế sẽ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng chảy máu nhân tài sang các cơ sở y tế tư nhân.

14h35 Đề nghị Quốc hội ra nghị quyết cấm thuốc lá điện tử

Là người đầu tiên chất vấn trưởng ngành y tế, đại biểu Phạm Thị Kiều (Bệnh viện đa khoa tỉnh Đăk Nông) đề nghị Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu quan điểm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay, tác hại đến sức khỏe thanh thiếu niên và cho biết giải pháp.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết thời gian qua, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến sức khỏe, tính mạng, đặc biệt là giới trẻ. Qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần, lên 3,6% năm 2020, tập trung cao nhất ở 15-24 tuổi.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đem một loại thuốc lá điện tử đến Quốc hội khi trả lời chất vấn. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ Y tế đã giao đơn vị chuyên môn tổng hợp nội dung nghiên cứu và đánh giá việc sử dụng thuốc lá nung nóng, điện tử ảnh hưởng tim, gan, phổi và đặc biệt là loạn thần. Năm 2023, có 1.234 người liên quan tới thuốc lá điện tử điều trị. "Trong bối cảnh có khoảng 40.000 người/năm mắc các bệnh do thuốc lá thường, giờ lại thêm thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng rất lớn", bà Lan nói.

Theo bà Lan, nguyên nhân chính khiến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vẫn còn tràn lan trên thị trường là do chưa có quy định pháp luật cho phép kinh doanh các sản phẩm này. Mặc dù vậy, để thu lợi nhuận, nhiều công ty đã lợi dụng các hình thức tiếp thị tinh vi và sản phẩm có thiết kế bắt mắt để thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cũng góp phần làm gia tăng tình trạng này, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Để dẫn chứng, bà Lan mang tới hội trường một số sản phẩm thuốc lá điện tử được thiết kế, trang trí như đồ chơi trẻ em để thu hút. "Hình thức thuốc lá điện tử rất bắt mắt với trẻ em, có ai hình dung đây là thuốc lá điện tử không ạ? Những sản phẩm này đưa ra trên thị trường, tính hấp dẫn thu hút giới trẻ rất nhiều", bà nói.

Bộ trưởng Y tế đề nghị Quốc hội có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề buôn bán thuốc lá điện tử cho giới trẻ. "Bộ Y tế mong muốn có nghị quyết của Quốc hội về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật về sửa đổi Phòng chống tác hại thuốc lá được trình Quốc hội trong thời gian tới", bà Lan đề nghị.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa đồng tình với Bộ Y tế về công bố tác hại thuốc lá điện tử và kiến nghị cấm mặt hàng này, song bà đề nghị Bộ trưởng thông tin thêm về việc xây dựng chương trình cai nghiện thuốc lá điện tử ở các địa phương.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Chính phủ đã thành lập Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá với 9 nhóm nhiệm vụ, trong đó có tổ chức mạng lưới cai nghiện thuốc lá để hỗ trợ người dân. Đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức được 24 điểm cai nghiện thuốc lá là các bệnh viện trực thuộc Bộ. Trong đó, nhiều bệnh viện chuyên khoa đã có số lượng bệnh nhân lớn như Bạch Mai, Phổi, Ung Bướu Hà Nội, Y học cổ truyền...

Thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức trung tâm cai nghiện, hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện cả nước cai nghiện thuốc lá. Bộ đã lập các tổng đài hỗ trợ người dân tư vấn cai nghiện thuốc lá trực tiếp. Các mô hình này đã triển khai hiệu quả.

Trả lời đại biểu Lê Thị Song An (Phó đoàn Long An) về việc ban hành quy định cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Y tế cho biết Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của thuốc lá điện tử và đề xuất những giải pháp toàn diện, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Bà một lần nữa nhấn mạnh với thiết kế bắt mắt và xu hướng thịnh hành, thuốc lá điện tử đã trở thành một thách thức lớn trong công tác phòng chống. Việc thay đổi hành vi của giới trẻ cần có thời gian và đòi hỏi những giải pháp lâu dài. Tình trạng trộn lẫn ma túy vào thuốc lá điện tử đang ngày càng trở nên phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội. Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2023, có 86 vụ với 155 người bị xử lý do đưa ma túy vào thuốc lá điện tử. Riêng 3 tháng đầu năm, 73 người bị xử lý về hành vi này.

Có 3 nội dung mới cập nhật
Tin liên quan
Tin Nổi bật